Đại diện giới sử dụng lao động

Chức năng Đại diện Người sử dụng lao động (NSDLĐ):

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam tháng 4/2003 và theo Quyết định số 123/2003/QĐ – TTg (tháng 6/2003) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ sửa đổi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vai trò của Phòng đã được bổ sung thêm chức năng mới là tổ chức đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của Người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở Việt Nam trong các quan hệ lao động trong nước và quốc tế.

Trước đó từ tháng 05/1997 Văn phòng Giới sử dụng Lao động đã được thành lập để tham mưu cho lãnh đạo Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về các vấn đề lao động, đồng thời duy trì quan hệ ba bên về lao động với các đối tác xã hội như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Hiện nay Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Giới chủ thế giới (IOE) và Liên đoàn Giới chủ Châu Á – Thái Bình Dưong (CAPE).

Nhiệm vụ:

Văn phòng Giới sử dụng lao động là cơ quan chuyên môn của Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (BEA-VCCI) thực hiện công tác đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động, xúc tiến quan hệ lao động tiến tiến ở Việt Nam:

  • Đại diện cho giới sử dụng lao động Việt Nam trong cơ chế tư vấn ba bên về lao động ở trong nước và phối hợp với tổ chức đại diện của người lao động như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (VGCL) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA).
  • Tư vấn tạo một môi trường lao động thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp, đóng vai trò như một tổ chức đại diện phản ánh ý kiến của giới sử dụng lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật lao động, từ đó bảo vệ lợi ích của giới sử dụng lao động.
  • Hỗ trợ phát triển hiệp hội người sử dụng lao động cấp tỉnh.
  • Cung cấp các dịch vụ và đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp về:

– Quan hệ lao động
– Tranh chấp lao động/Đình công/Giải quyết đình công
– Tiền lương
– Tạo việc làm
– Đào tạo nghề
– Sức khỏe và an toàn lao động
– Phúc lợi xã hội
– Luật và tiêu chuẩn lao động
– Quản lý môi trường tại nơi làm việc
– Phát triển nguồn nhân lực
– Lao động nữ và trẻ em
– Phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
– Năng suất lao động và trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp
– Phát triển doanh nghiệp nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân.